A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người có duyên với công tác tuyên truyền pháp luật

Ở Thái Bình nói đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, dù ở cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh là nhiều người đều biết đến anh Phạm Ngọc Dậu. Hiện anh là Chánh Văn phòng Sở Tư pháp - một báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có kinh nghiệm, uy tín. Hơn hai mươi năm công tác trong ngành Tư pháp, mặc dù đảm nhận nhiều công việc khác nhau, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh luôn gắn bó, tâm huyết với công tác tuyên truyền pháp luật. Một công việc anh rất đam mê và cũng mang lại nhiều niềm vui, nhiều thành công.

Là một việc khó nhưng là trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi cán bộ ngành Tư pháp
Nói về tuyên truyền pháp luật nhiều người hay ví là công việc có 3 chữ K. Đó là “ khó, khô, khổ”. Theo anh, công tác tuyên truyền pháp luật thực ra cũng là một nghề - “nghề nói”, nhưng là nói về pháp luật. Khi nói về pháp luật bị ràng buộc bởi những quy định rất chặt chẽ và cũng rất “khô khan” khó nói. Nhiều người còn nói là “khổ” nữa. Điều đó quả không sai ngay cả với người đã có thâm niên trong nghề. 
Song tuyên truyền pháp luật cũng có niềm vui riêng, nhất là khi chúng ta mang lại sự hiểu biết pháp luật cho nhiều người. Anh luôn suy nghĩ làm công tác tuyên truyền không chỉ là trách nhiệm của cán bộ chuyên môn mà còn là trách nhiệm chung của cán bộ trong ngành Tư pháp ở các cấp. Công tác tuyên truyền pháp luật thực hiện ở rất nhiều lĩnh vực, điều kiện khác nhau. Đối với anh mặc dù không còn trực tiếp công tác ở Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, chuyển sang Chánh Văn phòng Sở, công việc rất bận mải nhưng anh vẫn dành thời gian nghiên cứu và tham gia tuyên truyền. Nhiều buổi tuyên truyền tại xã, phường, thị trấn thường phải bố trí vào ngày thứ bẩy hoặc chủ nhật. Anh quan niệm: Chính thông qua các buổi tuyên truyền giúp cho chúng ta nắm bắt, hiểu rất sâu, cụ thể được nhiều văn bản; bởi vì, để làm tốt công việc này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, hiểu và làm chủ kiến thức, có nhiều thông tin bổ trợ mới truyền tải kiến thức pháp luật đến người nghe một cách tốt nhất. Làm công tác tuyên truyền pháp luật là phải giảng giải, cắt nghĩa, thậm chí phải đưa ra các ví dụ tình huống để minh hoạ. Muốn có một bài tuyên truyền tốt, trước hết người đi tuyên truyền phải có một vốn kiến thức, phải hiểu về những nội dung mình chuẩn bị, kể cả những điều luật khác có liên quan. Một số văn bản pháp luật nếu không nắm vững nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của điều luật có thể dẫn đến hiểu sai, thậm chí phản tác dụng. Phải hiểu sâu tinh thần, ý nghĩa, sự  tác động tích cực của văn bản đến đời sống xã hội.
Anh luôn dành một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu, tích luỹ, lượm nhặt thông tin trên các sách, báo chí trau dồi kiến thức cho bài giảng của mình thêm sinh động - điều này được minh chứng khi xem những tập tài liệu đi tuyên truyền pháp luật của anh. Ngoài cuốn luật, đề cương đã rút gọn là những tài liệu bổ trợ cho nội dung bài giảng. Có nội dung anh ghi chú ngay trong bài giảng, song có nội dung lại phải để ở ngoài để sử dụng khi cần thiết. Một số văn bản lớn như Hiến pháp, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại... thì ngay cả chúng tôi là những người cùng nghề cũng phải phục vì sự cóp nhặt, tích luỹ tư liệu, thông tin của anh.
Anh tâm sự, để bảo đảm cho mỗi cuộc tuyên truyền pháp luật được tốt, đưa pháp luật đến với người nghe thì phải chủ động chuẩn bị rất nhiều nội dung. Phải hiểu về điều luật, biến nó thành kiến thức của mình thì mới chủ động và giảng hay được. Có khi chuẩn bị 10 nội dung thì chỉ cần sử dụng đến 5 hoặc 6 nội dung; song vẫn phải chuẩn bị kĩ các nội dung để chủ động cho từng hội nghị khác nhau. Ngoài những kiến thức pháp luật cơ bản, bắt buộc phải tuyên truyền cho từng đối tượng thì những kiến thức, thông tin bổ trợ bên ngoài cũng rất quan trọng, bổ sung cho điều luật đó, vận dụng vào đối tượng điều chỉnh cho phù hợp. Kinh nghiệm nhiều năm gắn bố với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với anh không có bí quyết nào ngoài làm chủ kiến thức, thông tin và còn biết sử dụng kiến thức, thông tin đúng lúc, đúng cách, vận dụng những kiến thức ở các văn bản có liên quan để mở rộng, liên hệ, làm rõ. Điều đó cũng giúp người nghe biết thêm nhiều thông tin, kiến thức pháp luật.
Chuẩn bị kỹ, nghiêm túc trước mỗi buổi tuyên truyền pháp luật.
Hơn hai mươi năm làm công tác tuyên truyền pháp luật, với hàng trăm văn bản khác nhau, cho hàng chục ngàn lượt người nghe, đến nay anh cũng không thể nhớ hết đã thực hiện bao nhiêu buổi tuyên truyền pháp luật cũng như các buổi lên lớp giảng dạy môn pháp luật cho học sinh hay các đối tượng khác. Các buổi đi tuyên truyền anh đều chuẩn bị rất chu đáo nội dung từng văn bản, xem nội dung nào là quan trọng với đối tượng, nội dung nào cần thông tin, cần bổ sung thêm cho phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải căn cứ vào thời gian cho phép để chọn lọc nội dung tuyên truyền, bảo đảm không bị “cháy” giáo trình hoặc không chuyển tải thông tin cần thiết cho người nghe. Đây là công việc cần thiết trước mỗi cuộc tuyên truyền. Sau mỗi cuộc anh đều nhớ lại xem có gì sai sót, sơ suất để kịp thời rút kinh nghiệm. Có những luật như Dân sự, Hiến pháp, Đất đai tuyên truyền liên tục nhiều buổi nhưng cũng không cho phép anh chủ quan. Đề cương và những vấn đề bổ sung luôn được tôn trọng để tránh la cà, tránh mất cân đối và luôn làm chủ nội dung cần truyền đạt. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, luôn lo lắng cho mỗi buổi lên lớp, bảo đảm kết quả cao nhất là đức tính, là trách nhiệm mà anh thường chỉ bảo cho chúng tôi. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng, chu đáo giúp ta chủ động và làm chủ về mọi mặt. Bất kỳ một văn bản pháp luật nào mới ban hành mà cảm thấy sau này có nơi “nhờ” tuyên truyền là anh đều chủ động nghiên cứu sớm. Có khi chỉ phục vụ cho vài cơ quan, đi tuyên truyền vài buổi, thậm chí là một buổi song anh đều nghiên cứu nghiêm túc để sẵn sàng phục vụ. Anh thường tâm sự và yêu cầu người làm công tác tuyên truyền thì phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu hết văn bản để khi có yêu cầu thì chủ động được ngay. Chịu khó, có phương pháp tích luỹ nội dung văn bản thì đều có thể làm tốt công tác tuyên truyền, kể cả với văn bản dài, khó.     
Xác định từng đối tượng tuyên truyền phù hợp
Quan tâm đến đối tượng người nghe trong tuyên truyền pháp luật là điều rất quan trọng. Có kiến thức, có phương pháp song không phải nội dung văn bản luật đều “bê” hết vào nói cho các đối tượng khác nhau. Trước những đối tượng ta phải hiểu người nghe ở đây cần điều gì là trọng tâm, cần thiết trong văn bản sắp tuyên truyền. Từ cách đặt vấn đề, dẵn dắt người nghe đến văn bản cũng là điều cần chủ động. Anh bảo cũng là Luật Đất đai song nói ở cấp huyện cho cán bộ về triển khai thực thi khác, nói ở cấp xã cho người dân biết và nghe về các quy định khác, không thể bê nguyên bài giảng cho mọi đối tượng, hoàn cảnh. Phải có những điểm nhấn trong nội dung tuyên truyền.
Về nguyên tắc chung, ngoài yêu cầu bắt buộc là phải tuyên truyền những nội dung cơ bản, những vấn đề mới của văn bản sửa đổi, bổ sung thì từng đối tượng cần chuẩn bị nội dung cho phù hợp, những vấn đề phải nói kỹ hơn, mở rộng hơn. Nếu không hiểu được tâm lý, yêu cầu người nghe, truyền đạt không có trọng tâm, nội dung phù hợp, có khi là lý luận quá nhiều, các vấn đề xa xôi quá hoặc các vấn đề đơn giản mà người ta đã biết thì không mang lại kết quả cần thiết. Phải biết “làm mới” nội dung để thu hút người nghe, phải biết dẫn dắt vào từng nội dung cần truyền đạt.
Nắm vững đối tượng để tuyên truyền là điều rất cần thiết để chủ động nội dung và cũng là thể hiện tôn trọng người nghe. Các buổi tuyên truyền đều có những yêu cầu, đặc thù riêng. Đặc biệt với những hội nghị tổ chức tại các xã, phường, thị trấn cho nhân dân nghe bao gồm nhiều thành phần, trình độ có khác nhau. Ngoài cán bộ chủ chốt cấp xã, các đảng ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân còn có số đông người làm công tác tại tổ dân phố, thôn, xóm. Trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật và nhu cầu thông tin truyền đạt có nhiều sự khác nhau nên nội dung phải vừa bảo đảm những thông tin cơ bản, cần thiết và phải có sự phù hợp với đối tượng tại địa phương.
Trong các cuộc tuyên truyền, một đối tượng đến nay vẫn để lại nhiều cảm xúc với anh nhất là các buổi tuyên truyền về Hiến pháp cho gần một ngàn đại đức tăng ni và phật tử của tất cả các chùa trên địa bàn tỉnh. Ban Tôn giáo tỉnh, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức 8 buổi tuyên truyền tại các cơ sở phật giáo. Thực ra đây là những cuộc “nói chuyện” về Hiến pháp thì đúng hơn. Để mọi người lắng nghe, đón nhận tinh thần, nội dung của Hiến pháp cũng như pháp luật Nhà nước trong cuộc sống đối với những người đã để cả cuộc đời gắn liền với đạo pháp, với cuộc sống riêng tư nơi cửa phật là điều rất quan trọng. Mặt khác đây cũng là đối tượng đặc thù, nhậy cảm nên thay bằng “nói chuyện” về Hiến pháp và pháp luật là phù hợp. Những vấn đề có liên quan đến tôn giáo như mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật cần phải giải thích cẩn thận, rõ ràng.
Ngoài những vấn đề cơ bản trên, theo anh khi truyền đạt cũng cần có phong cách, phương pháp, giọng nói, cử chỉ và cần có biểu cảm trên khuôn mặt   tạo sự cuốn hút người nghe. Ở anh chúng tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm và nhất là sự say mê, trách nhiệm của một người làm công tác tuyên truyền pháp luật.
Ngoài công tác tại cơ quan, làm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, anh cũng là cộng tác viên tích cực của Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình. Anh tham gia trả lời pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình. Là giáo viên kiêm chức tham gia giảng dạy môn pháp luật ở một số trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh. Tham gia viết tài liệu và trực tiếp giảng tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng hòa giải viên ở cơ sở, bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố và tại các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho tư pháp cấp xã, huyện. Tham gia viết hàng trăm bài được đăng trên Báo Nhân dân, Báo Pháp luật Việt nam, Báo Thái Bình và nhiều tạp chí chuyên ngành khác. Anh cũng là người đã tham gia tuyên truyền ở nhiều cấp, cho nhiều đối tượng khác nhau nhất.   
Trong những năm cống hiến cho ngành Tư pháp, anh đã vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Giấy khen của Báo Thái Bình. Anh là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Vừa qua, khu vực thi đua Đồng bằng Bắc bộ cũng suy tôn và đề nghị anh vào danh sách cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp năm 2010-2015. Anh đạt giải Ba về Thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức với tác phẩm “Tự hào và đam mê khi tuyên truyền Hiến pháp”. Anh cũng đang tích cực tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Những thành tích được ghi nhận trên trong đó có phần cống hiến, thành tích riêng về công tác tuyên truyền pháp luật của anh.
Khi viết bài này tôi có một cảm nghĩ, giới thiệu với bạn đọc về một tấm gương say mê, tâm huyết, trách nhiệm và cũng có rất nhiều thành công trong công tác tư pháp nói chung và công tác tuyên truyền pháp luật nói riêng ở ngành Tư pháp Thái Bình. Anh là một báo cáo viên pháp luật xuất sắc. Tuy đã lớn tuổi, lại sắp nghỉ hưu song anh vẫn muốn sau này được tham gia công tác luật sư hay luật gia, trung tâm tư vấn pháp luật để có điều kiện tiếp tục tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân, một công việc và cũng là cái duyên với nghề của anh.  
                                                                         Hạnh Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 222
Hôm qua : 2.508
Tháng 10 : 33.941
Năm 2024 : 1.013.111