PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, NGÀNH TƯ PHÁP THÁI BÌNH TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ
Trong khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn dân chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9 và thành công của Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cùng với các địa phương trong cả nước, Ngành Tư pháp Thái Bình vinh dự và tự hào ôn lại quá trình hình thành và phát triển, ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm đã đạt được trong 70 năm qua. Đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên cán bộ, công chức ngành Tư pháp phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo và trí tuệ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước, trong đời sống xã hội.
Về vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước đã được ghi nhận và khẳng định ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Theo Quyết định số 715/TTg ngày 7/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/8 trở thành “Ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam”.
Đốivới ngành Tư pháp Thái Bình, năm 1972 Ban pháp chế của tỉnh được hình thành do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, có 4 cán bộ giúp việc. Đây là tiền thân của tổ chức Tư pháp ngày nay. Nhiệm vụ của Ban Pháp chế lúc đó là tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản pháp quy, rà soát, tập hợp hoá những văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và tuyên truyền giáo dục pháp luật. Hệ thống tổ chức pháp chế mới chỉ có ở các huyện, thị xã và một số sở, ban, ngành trong tỉnh.
Đến năm 1981, ngay sau khi tái thành lập, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/TT-BTP ngày 06/01/1982 về xây dựng ngành Tư pháp trong cả nước. Ngày 13/3/1982, UBND tỉnh có Quyết định số 11/QĐ-UB thành lập hệ thống Tư pháp tỉnh Thái Bình do đồng chí Trần Kim Chung làm Giám đốc Sở với 16 cán bộ, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành Tư pháp Thái Bình. Trên cơ sở đó, tổ chức tư pháp ở cấp huyện và cấp xã cũng được thành lập và hoạt động theo nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Tư pháp lại được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Năm 1987 nhận nhiệm vụ quản lý về mặt tổ chức đối với TAND cấp huyện. Năm 1989, đảm nhận công tác quản lý hộ tịch chuyển từ ngành Công an sang và thành lập Phòng Công chứng Nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Năm 1993 công tác Thi hành án Dân sự lại được chuyển giao từ cơ quan Toà án sang ngành Tư pháp quản lý. Năm 1998, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp với nhiệm vụ Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng. Năm 2005, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập và năm 2009 thành lập Phòng Bổ trợ Tư pháp. Từ ngày 01/7/2013, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao từ Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh sang Sở Tư pháp quản lý.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, ngày 02/6/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1135/QĐ-UBND quy định về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho phép thành lập thêm Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Như vậy, từ một cơ quan 3-4 phòng chuyên môn, đến nay đã có 8 phòng chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp. Tổng số công chức, viên chức có 75 người. Trình độ đại học có 72 người, trong đó có 4 thạc sỹ, 01 chuyên viên cao cấp, 7 chuyên viên chính. Cơ quan Sở có tổ chức Đảng bộ, Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, Chi hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh. Cấp huyện có Phòng Tư pháp với tổng số 36 cán bộ, công chức, cấp xã có 286 công chức Tư pháp - Hộ tịch. Nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức Tư pháp và người làm công tác Tư pháp kiêm nhiệm.
Cũng theo quy định của pháp luật, ngành Tư pháp còn quản lý Nhà nước về hoạt động của Luật sư với 14 tổ chức hành nghề luật sư gồm 01 công ty luật và 13 Văn phòng luật sư với 54 luật sư. Các tổ chức giám định tư pháp, 43 giám định viên ở một số lĩnh vực khác như: Tài chính - Kế toán, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Thuế. Toàn tỉnh có 10 tổ chức hành nghề công chứng với 19 công chứng viên; 5 tổ chức bán đấu giá tài sản với 11 đấu giá viên. Sở Tư pháp quản lý các tổ chức pháp chế của các sở, ngành, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên kiểm tra văn bản, cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính.
Quản lý hoạt động hòa giải ở cơ sở với 2.094 tổ hoà giải, 15.229 hoà giải viên. Quản lý công tác xây dựng, thực hiện hương ước, qui ước thôn, tổ dân phố; tủ sách pháp luật của các xã, phường, thị trấn, các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, ngành Tư pháp Thái Bình luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vị thế của ngành từng bước được nâng cao, khẳng định vai trò và trách nhiệm của công tác tư pháp trong đời sống xã hội. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của ngành từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát triển về số lượng, nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác tư pháp như: Chương trình, Quyết định, Kế hoạch, Chỉ thị triển khai thực hiện các nhiệm vụ như công tác văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường của nhà nước, lý lịch tư pháp, bán đấu giá tài sản, bổ trợ tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở...
Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành, kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong những năm qua, ngành đã có đóng góp tích cực vào việc tham gia ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra toàn Ngành đã tích cực phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ngành tham gia ý kiến xây dựng nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp như Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Thi hành án dân sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Công chứng, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở.
Từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản, đảm bảo 100% các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát đúng tiến độ, đảm bảo tính hợp pháp, tính khả thi, tính hợp lý của các dự thảo văn bản, nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Nhà nước, trong đó ngành Tư pháp tham gia với trách nhiệm chính. Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí; nâng cao hơn về chất lượng, đa dạng, phong phú về hình thức, góp phần quan trọng nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong công tác giáo dục tư tưởng, chính trị.
Hoạt động Trợ giúp pháp lý đạt được những kết quả quan trọng, đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng khác, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức trợ giúp lưu động ở hầu hết các xã trong tỉnh, tham gia trong hoạt động tố tụng đạt nhiều kết quả. Mỗi năm thực hiện trợ giúp hàng ngàn vụ việc.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là một nhiệm vụ mới trong công tác cải cách hành chính. Thực hiện tốt nhiệm vụ này góp phần quan trọng vào kết quả cải cách hành chính, cải cách thể chế, phục vụ tốt các yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Sở tham mưu UBND tỉnh thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị với tổng số 344 cán bộ. Tham gia ý kiến vào văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC. Kiểm soát chất lượng, trình UBND tỉnh công bố TTHC trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã. Cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đề nghị công khai TTHC. Việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện thường xuyên hàng năm.
Công tác Hành chính tư pháp đã đáp ứng tốt nhiệm vụ yêu cầu. Công tác chứng thực, hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã từng bước nâng cao chất lượng. Trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ các cấp được nâng lên, thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc. Các công việc về hành chính tư pháp thực hiện theo cơ chế một cửa, công khai thủ tục giải quyết từng loại việc, tạo thuận lợi cho công dân.
Công tác quản lý Nhà nước các hoạt động Bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản được tăng cường, từng bước chuyển đổi sang hướng xã hội hoá theo quy định. Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức, bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Các mặt công tác như thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ trong ngành được thực hiện nghiêm túc theo các quy định, phát huy được tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ, tự giác của cán bộ công chức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tham gia quản lý, xây dựng cơ quan. Toàn ngành tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua - khen thưởng; triển khai thực hiện cuộc vận động việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt kết quả tốt.
Với những thành tích và kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng: 6 Huân chương Lao động hạng ba, 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 03 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp; Hàng trăm lượt tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Cơ quan Sở Tư pháp được công nhận là Đơn vị văn hóa cấp tỉnh. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp, Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Đạt được những kết quả và thành tích trên của ngành Tư pháp Thái Bình trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh, của cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời là sự thể hiện công sức chung của các thế hệ cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, khắc phục khó khăn, đoàn kết chung sức để hoàn thành nhiệm vụ.
70 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm công tác tư pháp “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúpmình thêm liêm khiết, thêm công bằng”; Cán bộ Tư phápcần phải nêu cao tấm gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. 70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp cả nước ngành Tư pháp Thái Bình luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác, đưa công tác tư pháp phát triển không ngừng, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành những nhiệm vụ được giao và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh./.
Bùi Thị Lan- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp
Nguồn:sotuphap.thaibinh.gov.vn Copy link