A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội dung tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định được ban hành trên cơ sở kế thừa nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, đảm bảo tiếp thu có chọn lọc những nội dung hợp lý, khả thi và bổ sung những quy định phù hợp với giai đoạn hiện nay.

 

Theo đó, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện dựa trên 05 tiêu chí thành phần và 35 chỉ tiêu với tổng số điểm là 100 điểm. Trên cơ sở đó, Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định cụ thể điểm số, cách tính điểm của các chỉ tiêu của tiêu chí tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu này là chuẩn mực được sử dụng để đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của tổ chức, cá nhân và xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được hiểu là việc chính quyền cấp xã đáp ứng đủ các điều kiện trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật sau đây:
          Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm)
Mục đích đánh giá tiêu chí này nhằm đo lường trách nhiệm, năng lực xây dựng, ban hành và hiệu quả tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và kế hoạch, văn bản khác nhằm triển khai thi hành kịp thời Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên của chính quyền cấp xã. Đồng thời nó cũng phản ánh, đánh giá thực trạng và đo lường khả năng, mức độ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn của chính quyền cấp xã.
          Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu thành phần gồm: 
          Chỉ tiêu 1: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ (04 điểm); 
          Chỉ tiêu 2: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước (06 điểm);
          Chỉ tiêu 3: Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước (05 điểm).
          b)Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy  ban nhân dân cấp xã (30 điểm)
          Việc thực hiện tiêu chí này nhằm mục đích:
          Thứ nhất, đánh giá, đo lường mức độ bảo đảm các điều kiện cần thiết; trách nhiệm thực hiện các hoạt động công vụ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
          Thứ hai, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công vụ, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ công chức cấp xã trong việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.
          Thứ ba, xây dựng giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật cho người dân, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách hành chính nhà nước nói chung.
          Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu thành phần sau:
          Chỉ tiêu 1: Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính (04 điểm);
          Chỉ tiêu 2: Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định (02 điểm);
          Chỉ tiêu 3: Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (10 điểm); 
          Chỉ tiêu 4: Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định (02 điểm);
          Chỉ tiêu 5: Bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái  độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính(12 điểm)
          c) Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm)
          Việc thực hiện tiêu chí về phổ biến giáo dục pháp luật nhằm mục đích:
          Đo lường, đánh giá trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc tổ chức thực thi các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đo lường mức độ tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền nhằm bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật;
          Đánh giá thực trạng, tính hiệu quả của các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật
          Đo lường mức độ, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm các nguồn lực về kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó tạo điểu kiện cho người dân tiếp cận pháp luật.
          Tiêu chí này gồm 09 chỉ tiêu thành phần sau: 
          Chỉ tiêu 1: Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (02 điểm); 
          Chỉ tiêu 2: Cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định (02 điểm); 
          Chỉ tiêu 3: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cấp trên (02 điểm); 
          Chỉ tiêu 4: Tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã (02 điểm);
          Chỉ tiêu 5: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức thích hợp (05 điểm);
          Chỉ tiêu 6: Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (02 điểm); 
          Chỉ tiêu 7: Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã (05 điểm); 
          Chỉ tiêu 8: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (02 điểm);
          Chỉ tiêu 9: Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định (03 điểm)
          c) Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm)
          Triển khai, thực hiện tiêu chí về hòa giải ở cơ sở nhằm mục đích sau:
          Thứ nhất, đo lường, đánh giá tổ chức, hoạt động và hiệu quả của thiết chế hòa giải ở cơ sở - một trong những hoạt động thuận lợi cho người dân tại địa bàn cơ sở tiếp cận pháp luật.
          Thứ hai, đo lường mức độ, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm kinh phí hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật.
          Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu thành phần, cụ thể: 
          Chỉ tiêu 1: Thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở (02 điểm); 
          Chỉ tiêu 2: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên (06 điểm);
          Chỉ tiêu 3: Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định (02 điểm)
          đ) Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm)
          Mục đích của tiêu chí này nhằm đo lường mức độ bảo đảm của Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân tại cơ sở và đánh giá, đo lường mức độ tham gia và tiếp cận của người dân đối với nội dung công khai để nhân dân biết, nội dung nhân dân bàn và quyết định; nội dung nhân dân tham gia ý kiến và nội dung nhân dân thực hiện giám sát
          Tiêu chí này nhằm 05 chỉ tiêu thành phần sau:
          Chỉ tiêu 1: Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở trừ các thông tin quy định tại chỉ tiêu 1 của tiêu chí 2 và chỉ tiêu 1 của tiêu chí 3 (05 điểm);  
          Chỉ tiêu 2: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm); 
          Chỉ tiêu 3: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm); 
          Chỉ tiêu 4: Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở (05 điểm); 
          Chỉ tiêu 5: Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ sở cơ sở (05 điểm).
Thủy Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 2.508
Tháng 10 : 33.919
Năm 2024 : 1.013.089