Từ việc thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TTg tại Thái Bình cần sớm bổ sung Quy định chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở vào bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới
Thái Bình thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở.
Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ngày 23/12/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2899/QĐ-UBND thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tỉnh Thái Bình với 19 thành viên tham gia, do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các sở, ban, ngành làm thành viên. Ngay sau khi thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp tỉnh tiến hành họp để triển khai các văn bản và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Hội đồng đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch và thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật ở cấp mình.
8/8 huyện, thành phố; 286 xã, phường đã kịp thời ban hành Kế hoạch và thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp mình, đồng thời tiến hành triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Đến nay cấp xã, hoàn thành việc tự đánh giá, chấm điểm từng chỉ tiêu, tiêu chí về tiếp cận pháp luật của cấp mình và chuyển hồ sơ lên cấp huyện. Các huyện, thành phố đã họp Hội đồng thẩm định hồ sơ và làm các thủ tục theo đúng tiến độ.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền Sở Tư pháp biên soạn bộ tài liệu “Tìm hiểu một số quy định của Quyết định số 09/QĐ-Ttg về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở” cấp phát cho thành viên Hội đồng, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo Phòng Tư pháp lồng ghép tuyên truyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (9/11/2013) ngay trong năm đầu tiên thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Hệ thống Truyền thanh các xã, phường thị trấn đều tập trung tuyên truyền tới đông đảo cán bộ và nhân dân. Bên cạnh đó, Sở còn xây dựng chuyên mục “Chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở”trên trang thông tin điện tử của ngành, đăng tải các văn bản pháp luật có liên quan đến Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình giới thiệu Quyết định 09/2013/QĐ-TTg trong chuyên mục “Văn bản pháp luật mới”, “Hộp thư truyền hình” với 05 buổi phát sóng liên tiếp, thời lượng 5 phút/buổi . Phối hợp với Báo Thái Bình giới thiệu dưới hình thức hỏi - đáp để người đọc dễ tìm hiểu.
Ngày 27/6/2014 Văn phòng Chính phủ có công văn tạm dừng đánh giá tiếp cận pháp luật ở cơ sở . Riêng 5 tỉnh: Quảng Bình, Thái Bình, Điên Biên, Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh được chọn làm thử. Bộ Tư pháp tiến hành tổ chức tập huấn về nghiệp vụ chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ làm công tác theo dõi hoạt động này. Sở Tư pháp xây dựng hướng dẫn cụ thể cách chấm điểm đối với từng tiêu chí cho cán bộ thực hiện ở các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn chi tiết, cụ thể về từng chỉ tiêu, tiêu chí cho cán bộ thực hiện. Đến nay cán bộ làm công tác theo dõi, đánh giá tiếp cận pháp luật của 286 xã, phường đã được tham dự các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Thái Bình còn gặp phải một số vướng mắc bất cập như: Một số chỉ tiêu, tiêu chí của Quyết định 09/2013/QĐ-TTg chưa phù hợp với thực tiễn địa phương, còn trùng lặp với một số tiêu chí đã được quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; thời hạn; thẩm quyền đánh giá chưa phù hợp; việc khen thưởng chưa thống nhất với Luật thi đua khen thưởng; khó khăn về nguồn lực thực hiện, cơ sở vật chất còn hạn chế.
Đưa tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi hơn.
Để khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong việc chăm lo, bảo vệ và phát huy đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp còn khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Để thực hiện các quy định trên đây của Hiến pháp, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong tiếp cận, sử dụng pháp luật để thực thi quyền, nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn, Nhà nước từng bước thiết lập và không ngừng hoàn thiện các thiết chế thực thi pháp luật, hỗ trợ người dân thực thi pháp luật, vì vậy việc ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở là hết sức cần thiết. Tuy nhiên để thực thi một quy định mới cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác đã ban hành, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Việc xây dựng nông thôn mới đang được triển khai sâu rộng ở các địa phương, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đối với Thái Bình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; các đảng bộ huyện, xã cũng ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập, đã chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có bài bản, đồng bộ các giải pháp, biện pháp: tuyên truyền, xây dựng quy hoạch; dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; tổ chức sản xuất hàng hoá vùng tập trung theo quy hoạch; ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng…; phân công cấp uỷ, cán bộ các ban, ngành của tỉnh, huyện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các xã, phát động và tổ chức ký kết giao ước thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thường xuyên chú trọng kiểm tra, đánh giá việc chỉ đạo, xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở cơ sở; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, lệch lạc, nhất là sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới như hỗ trợ xi măng, tạo động lực và phong trào sâu rộng trong nhân dân, đã làm thay đổi nhận thức, cách làm, khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phát huy những nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo ở các địa phương.
Tính đến tháng 8/2014, toàn tỉnh có 26 xã đạt 19/19 tiêu chí, 53 xã đạt 15-18 tiêu chí, 144 xã đạt 10-14 tiêu chí, còn 40 xã dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 59 xã trở lên đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70 xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra và hoàn thành sớm trước 01 năm mục tiêu có 70 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.
Trong 19 tiêu chí về nông thôn mới gồm các tiêu chí về: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội. Chưa có tiêu chí về tiếp cận pháp luật ở cơ sở, trong khi đó chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, hướng tới bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Đưa được tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới sẽ có những thuận lợi cơ bản bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Việc triển khai thực hiện sẽ có sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát và trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến cơ sở, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước đến từng người dân.
Thứ hai, Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là đội ngũ công chức chuyên môn cấp xã sẽ được thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung về số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một địa phương đạt chuẩn về nông thôn mới. Bởi đội ngũ này có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống cũng như chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhất là yêu cầu của công tác ban hành, phổ biến văn bản pháp luật, giải quyết các thủ tục, vụ việc hành chính – tư pháp phục vụ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các hoạt động pháp luật mang tính xã hội, cộng đồng.
Thứ ba, Chất lượng hoạt động thực thi công vụ để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ từ phía các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước được nâng lên. Giải quyết các thủ tục hành chính về trình tự, thời hạn sẽ có những bước cải thiện, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Thứ tư, Các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở như: tủ sách pháp luật, tài liệu pháp luật, máy vi tính, việc nối mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực thi công vụ sẽ phải được đầu tư, tăng cường từ nhiều nguồn lực khác nhau, không chỉ dựa vào sự đầu tư của nhà nước mà có thể huy động từ các nguồn hỗ trợ khác.
Thứ năm, Việc thực hiện các quy định về thời gian, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận, khen thưởng các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở sẽ được kết hợp trong việc thẩm định, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy sẽ tiết kiệm được tiền của, công sức, thời gian của các cơ quan nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương.
Với chủ trương của Đảng và nhà nước về việc xây dựng nông thôn mới, bảo vệ và phát huy quyền con người trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thì việc ban hành một công cụ đánh giá đồng bộ, thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân ngay tại cơ sở làm căn cứ, giải pháp quản lý xã hội, quản lý đất nước là hết sức cần thiết. Song để những quy định đó đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội các Bộ, ngành trung ương cần nghiên cứu giúp Chính phủ, đánh giá, tổng kết thực tiễn, sớm đưa quy định đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Liễu Lập
Nguồn:sotuphap.thaibinh.gov.vn Copy link