Giải pháp trong công tác tham gia ý kiến dự thảo văn bản
Một trong những hoạt động quan trọng của quản lý nhà nước đó là việc xây dựng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật. Đây cũng chính là hoạt động thực hiện và thể hiện quyền lực Nhà nước nhằm quản lý xã hội. Một văn bản pháp luật được ban hành bao giờ cũng tác động lên một hoặc một số đối tượng đến quyền và lợi ích của một hoặc một nhóm người nhất định.
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân để bàn bạc, nghiên cứu tiếp thu nhằm làm cho các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Sự tham gia này là một trong những điều kiện quan trọng và không thể thiếu giúp bảo đảm tính khả thi của văn bản trong thực tiễn thi hành, bảo đảm pháp luật sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân góp phần bảo đảm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội.
Hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của việc lấy ý kiến nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những quy định hợp lý về việc lấy ý kiến theo đó đã xác định rất rõ ràng về thời điểm, trách nhiệm, quy trình của việc xác định đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật cũng như tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 428 dự thảo văn bản do các cơ quan ở trung ương và địa phương gửi lấy ý kiến tham gia. Các dự thảo văn bản trước khi trình Sở Tư pháp thẩm định đã được cơ quan xây dựng dự thảo lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan cũng như lấy ký kiến bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử. Từ việc tham gia ý kiến dự thảo văn bản, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều tiến bộ đáng kể, tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong công tác dân chủ, dân vận chính quyền; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng như Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được từ nhiệm vụ tham gia ý kiến dự thảo văn bản, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, đây là một quy trình quan trọng và có ý nghĩa nhưng dường như chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức, thực tiễn triển khai hoạt động tổ chức lấy ý kiến người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn; cụ thể như:
Thứ nhất, về phương thức và đối tượng lấy ý kiến, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, phải thừa nhận việc đăng tải dự thảo văn bản trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước chưa thu hút được sự chú ý cũng như quan tâm của các tầng lớp nhân dân, có những dự thảo đăng tải trên cổng thông tin điện tử nhưng khi kiểm tra ý kiến góp ý, nhận xét thì hầu như không có, số lượng truy cập vào xem cũng cực thấp; đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản thống nhất dẫn tới nhiều vấn đề vốn có thể giải quyết ngay từ khâu soạn thảo văn bản tuy nhiên đến giai đoạn trình vẫn chưa nhận được sự đồng thuận, làm giảm chất lượng dự thảo văn bản.
Thứ hai, trong thực tế sản phẩm của việc lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp không được thể hiện bằng văn bản cụ thể, trừ trường hợp đối tượng tác động đó là các sở, ban, ngành và chỉ được tích hợp chung trong các báo cáo đánh tác động của chính sách. Vì vậy khó để có được cái nhìn tổng quan và đánh giá cụ thể được đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản là ai và bao nhiêu phần trăm trong số đó đã được lấy ý kiến và quan điểm của họ như thế nào về nội dung được lấy ý kiến.
Thứ ba, thời gian thực hiện lấy ý kiến quá ngắn và quá gấp nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của công chúng. Những bất cập này làm cho chất lượng công tác lấy ý kiến chưa cao, mang tính hình thức bởi vậy một số điều luật khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn không khả thi.
Để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản, để văn bản khi được ban hành có sự đồng thuận cao, để việc lấy ý kiến dự thảo văn bản thể hiện được đúng ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, cần:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy trình xây dựng, lấy ý kiến đối với văn bản. Cần có hướng dẫn về cơ chế trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, trong đó quy định rõ ràng hơn về chủ thể tiến hành lấy ý kiến, xác định rõ hơn sản phẩm của việc lấy ý kiến đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như chế tài để đảm bảo thực hiện nội dung này.
Thứ hai, có cơ chế cụ thể để khắc phục những hạn chế liên quan đến phương thức và đối tượng lấy ý kiến dự thảo văn bản. Cần mở rộng, phát huy trí tuệ toàn dân, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm, tránh hình thức. Việc lấy ý kiến nhân dân cần cụ thể hóa và được thực hiện bởi quy định chặt chẽ hơn theo quy trình cụ thể, như từ yêu cầu thực tiễn để đề xuất dự án luật, xác định trách nhiệm, lấy ý kiến xây dựng kênh thông tin tuyên truyền dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, gợi mở các vấn đề cần lấy ý kiến, khuyến khích sự tham gia cơ chế giải trình, tiếp thu, phản hồi ý kiến, bố trí thời gian hợp lý để toàn dân có đủ điều kiện đóng góp ý kiến, như vậy sẽ thu thập được nhiều ý kiến, nâng cao hiệu quả dự thảo luật và đảm bảo tính khả thi, tính lâu bền của dự án luật.
Thứ ba, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lấy ý kiến thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình lấy ý kiến theo quy định của Luật ban hành, khắc phục được triệt để tính hình thức trong việc tổ chức lấy ý kiến; việc tổng hợp, đánh giá và phản ánh một cách khách quan, đầy đủ những diễn biến từ thực tiễn cuộc sống có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ quan xây dựng văn bản, không chỉ giúp việc xây dựng được các quy định phù hợp với điều kiện của thực tiễn xã hội, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người chịu sự tác động trực tiếp, đưa người dân vào đúng vị trí của họ trong quá trình xây dựng luật mà đây cũng sẽ là một hình thức tuyên truyền chủ động để người dân được tiếp cận trước với luật, pháp lệnh và khi ban hành sẽ đạt tính khả thi cao./.
Nguyễn Yến