A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Thực trạng sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

Ngày 30/7/2014, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP). Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2014 và bãi bỏ các quy định về nội dung chi, mức chi phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các nội dung của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP và các văn bản dẫn chiếu có liên quan cơ bản quy định một cách cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí  ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay, kinh phí dành cho công tác tập huấn hòa giải ở cơ sở, in tài liệu… tại cấp tỉnh là 150.000.000đ/năm được trích từ nguồn kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đối với cấp huyện, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể hàng năm đã trích kinh phí từ nguồn kinh phí PBGDPL để thực hiện một số hội nghị huấn nghiệp vụ, kĩ năng hòa giải cho hòa giải viên; kinh phí dao động từ 10.000.000đ đến 60.000.000đ/ năm tùy đặc thù từng huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 104/260 xã, phường, thị trấn đã chi hỗ trợ cho công tác hòa giải như chi hỗ trợ thù lao cho hòa giải thành, chi hỗ trợ văn phòng phẩm, nước uống cho tổ hòa giải.  Nhìn chung, việc chi kinh phí triển khai công tác hòa giải ở cơ sở được sử dụng đúng mục đích, chế độ và theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng mức chi cho một số nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều xã, phường, thị trấn chỉ bảo đảm được một phần mức chi theo quy định của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP; việc chi thù lao vụ việc hòa giải cho hòa giải viên cũng không đồng đều, thống nhất. Chỉ những xã, phường, thị trấn có nhiều nguồn thu hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến hoạt động này mới thực hiện chi kinh phí hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số khoản chi cho công tác hòa giải với mức chi tối đa như hiện nay còn thấp, không còn phù hợp với thực tế như chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên với mức chi tối đa 10.000 đồng/người/buổi.

Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP quy định về mức chi, tuy nhiên hiện nay một số Thông tư viện dẫn không còn phù hợp hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng một văn bản mới. Chẳng hạn như mục chi công tác phí cho những người đi công tác thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư số 40/2017/TT-BTC  của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Chi biên soạn bài giảng, sách, đặc san, tài liệu chuyên đề pháp luật, tài liệu tham khảo, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC  ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp (theo mức đối với ngành, đào tạo đại học, cao đẳng) đã hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 hướng dẫn nội dung, mức chi ngân sách nhà nước để thực hiện việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Nhiều mức chi đang quy định thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở nhưng hiện nay Thông tư này cũng đang gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.

Hy vọng rằng trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 100/2014/TTLT- BTC-BTP theo hướng điều chỉnh một số khoản chi theo hướng tăng mức chi tối đa để bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn công tác hòa giải tại cơ sở thời điểm hiện tại và sửa đổi một số mức chi theo các Thông tư viện dẫn mới đang có hiệu lực thi hành để thuận tiện cho cán bộ cơ sở tra cứu, áp dụng thực hiện hiệu quả hơn.

 

                                                                                     Hạnh Nga

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 79
Hôm qua : 453
Tháng 04 : 532
Năm 2023 : 47.279