Hội thảo góp ý tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước
Thực hiện Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE)” do Liên minh Châu Âu tài trợ, ngày 21/12/2021, Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan UNDP và UNICEF của Liên Hiệp Quốc, tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước cho các đại biểu là NGƯỜI THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC và các đại biểu là TẬP HUẤN VIÊN, qua hình thức trực tuyến với sự tham gia của TS. Nguyễn Văn Hợi - giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Bùi Tiến Đạt - giảng viên Khoa Luật Đại học quốc gia, ThS. Thanh Mai - giảng viên giảng viên Học viện Thanh thiếu niên, Bà Phùng Thị Hoàn - đại diện Tòa án nhân dân tối cao - đại diện Cục Thi hành án Hà Nội.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, giải quyết yêu cầu bồi thường là một nội dung quan trọng trong chế định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường của các cơ quan giải quyết bồi thường là thước đo để đánh giá hiệu quả chế định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên thực tế. Hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường phụ thuộc vào việc áp dụng các quy định của pháp luật và kỹ năng giải quyết bồi thường của người giải quyết bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận và trao đổi về các nội dung: vai trò và thực tiễn công tác bồi thường nhà nước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết bồi thường; trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường.
Thông qua Hội thảo, giúp các đại biểu hiểu đầy đủ vai trò, ý nghĩa công tác bồi thường nhà nước trong đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Có kiến thức cơ bản về công tác giải quyết bồi thường; pháp luật về công tác bồi thường nói chung và giải quyết bồi thường nói riêng; Hiểu được tầm quan trọng của việc giải quyết bồi thường trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như bảo vệ lợi ích của Nhà nước; Nắm được các kỹ năng trong quá trình giải quyết bồi thường để đảm bảo việc giải quyết bồi thường kịp thời, đúng pháp luật; Nâng cao năng lực và kỹ năng giải quyết bồi thường.
Ngọc Diệp