A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: 05 năm thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022

Ngay sau khi “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022 (Đề án 242) được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án 242, công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều vướng mắc, bất cập như: Tài nguyên và môi trường, đất đai, xây dựng, an ninh, trật tự.

Thông qua các cuộc kiểm tra thực hiện Đề án 242, các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm, xem xét đánh giá tính khả thi và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; xác định được những hạn chế, khiếm khuyết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, để kịp thời kiến nghị đến cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi trong quá trình thi hành.

Việc áp dụng công nghệ thông tin tiếp tục được UBND tỉnh quán triệt, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số như: Nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hòm thư công vụ của tỉnh; triển khai thực hiện phần mềm hệ thống thông tin báo cáo tập trung, phòng họp trực tuyến; phần mềm nghiệp vụ phục vụ chuyên môn; thường xuyên rà soát, đánh giá và vận hành có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị; triển khai có hiệu quả phần mềm Dịch vụ công trực tuyến, tăng cường sử dụng chữ ký số, gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh; xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 có chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát, sắp xếp cán bộ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và bố trí điều kiện, cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm và đầu tư hợp lý. Chú trọng tổ chức phổ biến, tập huấn nghiệp vụ để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước về kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, năng lực phản ứng chính sách.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Đề án 242 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Văn bản quy phạm pháp luật về công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa điều chỉnh đầy đủ, toàn diện trong khi phạm vi lĩnh vực theo dõi rộng; tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng; các quy định khó áp dụng trong điều kiện thực tiễn; chưa xây dựng được cơ chế huy động sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân, công dân trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; Việc áp dụng công nghệ thông tin trong thu thập, lưu trữ dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật nói chung và báo cáo tình hình thi hành pháp luật nói riêng nhằm đảm bảo nguồn dữ liệu đa dạng, đầy đủ, sẵn có, mang tính tích hợp, giảm gánh nặng xây dựng các báo cáo tình hình thi hành pháp luật chưa được triển khai thực hiện; Công tác triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương chưa thực sự phát huy vai trò, hiệu quả, việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật đối với các vụ việc đột xuất hoặc theo chuyên đề chưa được thực hiện thường xuyên.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 242, trong thời gian tới tỉnh Thái Bình kiến nghị Bộ Tư pháp, Cục QLXLVPHC & TDTHPL nghiên cứu ban hành Thông tư riêng quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật và báo cáo tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật mang tính khả thi cao, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện./.

Đỗ Nụ


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 701
Hôm qua : 8.619
Tháng 09 : 153.602
Năm 2024 : 895.413