Thái Bình: 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
Năm 2012, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngay sau khi Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10/9/2012 để triển khai Luật trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch, Thái bình đã tích cực áp dụng đa dạng hình thức đồng thời đảm bảo nội dung tuyên truyền phong phú, thiết thực, bám sát nhu cầu thực tế của người dân.Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 50.856 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật với sự tham gia của 4.981.153 lượt người. Biên soạn, phát hành 4.057.422 tài liệu tuyên truyền pháp luật bao gồm sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp pháp luật. Xây dựng và phát sóng 228 số chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, gần 3.500 mục “văn bản chính sách” (01 số/ngày), gần 500 mục hỏi đáp pháp luật. Mỗi năm tổ chức khoảng 100 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với quy mô, hình thức và nội dung phong phú; từ cuộc thi cấp tỉnh, cấp ngành, cấp huyện đến cấp xã; từ thi viết, thi sân khấu hóa đến thi trực tuyến....Đồng thời, áp dụng các hình thức PBGDPL khác như: tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền qua internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Xác định nguồn nhân lực PBGDPL là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vì vậy việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL luôn được tỉnh Thái Bình chú trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và yêu cầu thực tiễn tại địa phương từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Thái Bình đã được kiện toàn 05 lần vào các năm 2013, năm 2016, năm 2019 và năm 2021. Hiện nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Thái Bình gồm 39 thành viên do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng (Theo Quyết định số 2422/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình).
Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác PBGDPL. Hiện nay, Thái Bình có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 97 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.900 tuyên truyền viên pháp luật hoạt động tích cực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL tuy thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, bán chuyên trách nhưng đều phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến sâu rộng quần chúng nhân dân.
Thực hiện sự chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, tỉnh Thái Bình luôn triển khai tất cả các Chương trình, Đề án về Phổ biến giáo dục pháp luật theo đúng tiến độ. Hiện nay có nhiều Đề án đang được tổ chức thực hiện hiệu quả như: Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022'' ; Đề án: “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân”; Đề án "Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn'' ; Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật"; Đề án "Đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”... Sau 10 năm triển khai thực thực hiện 100% sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành; 100% các nhà trường đều triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật; 90% đối tượng đặc thù được PBGDPL chuyên biệt theo quy định của pháp luật… Kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL, thay đổi tư duy nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện công tác này. Củng cố tổ chức, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời không ngừng đổi mới, sử dụng có hiệu quả và sáng tạo các hình thức phổ biến pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và tổ chức thi hành pháp luật và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PBGDPL.
Trần Thị Hồng