A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Ban hành kế hoạch thực hiện công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023

Ngày 10/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về thực hiện công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023.

Theo Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác pháp chế tại cơ quan mình ở 07 lĩnh vực công tác, cụ thể:

* Công tác xây dựng pháp luật

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đảm bảo tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh theo phân công, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương gửi lấy ý kiến, đảm bảo nội dung và thời hạn theo quy định.

- Chỉ đạo, phân công, giao trách nhiệm cho công chức phụ trách pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực do cơ quan mình quản lý; cung cấp thông tin kịp thời, phối hợp với Sở Tư pháp lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết theo quy định tại khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

* Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công các sở, ngành chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

-  Triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đảm bảo đúng nội dung, thời gian theo kế hoạch.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

- Phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, lập Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý đã hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần tính đến hết ngày 31/12/2023 để thực hiện công bố theo quy định tại Điều 38, Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

- Đề xuất phương án xử lý những văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp.

- Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

* Công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Tổng kết việc thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022”, phối hợp nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật theo yêu cầu; thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ) và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

- Tiếp tục phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trọng tâm là Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức và người làm công tác xử lý vi phạm hành chính; tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh Thái Bình về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 547/UBND-NCKS ngày 02/3/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xử lý hành chính.

- Tiếp tục tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm Chi phí tuân thủ pháp luật theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.

* Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 của tỉnh; trong đó chú trọng triển khai, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới của Trung ương và địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với thực thi pháp luật và định hướng các vấn đề mà dư luận quan tâm; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.

- Nâng cao chất lượng của cán bộ pháp chế trong công tác tham mưu, thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành, đơn vị; thực hiện tốt Ngày pháp luật Việt Nam 09 tháng 11.

- Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Tăng cường xã hội hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực hiện hoặc hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

* Công tác bồi thường của Nhà nước

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

- Khẩn trương giải quyết các vụ, việc yêu cầu bồi thường nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo chỉ đạo tại khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII (nếu có).

- Cử cán bộ tham gia lớp đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả khi được triệu tập.

- Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về công tác bồi thường nhà nước  theo quy định của pháp luật.

* Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc phạm vi được phân công tại Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

- Phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

- Tiếp nhận, giải đáp kịp thời về pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

- Tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.

- Báo cáo kết quả hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp về Sở Tư pháp đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

* Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng: Tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước ở địa phương và khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật; tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý: Công tác pháp chế của các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Phạm Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 642
Hôm qua : 8.619
Tháng 09 : 153.543
Năm 2024 : 895.354