A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Sau 05 năm triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021

Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021.

Ngay sau khi có Quyết định 705/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2019/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Định kỳ hằng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp mình. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh; Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp mình.

Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ quán triệt đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố. Sau hội nghị quán triệt của tỉnh, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ở từng ngành, bảo đảm chất lượng và thời gian quy định.

Các cơ quan thông tin đại chúng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình kịp thời tuyên truyền Quyết định số 705/QĐ-TTg, Quyết định 2019/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 tới đông đảo cán bộ và nhân dân.

Nội dung pháp luật được tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về cơ bản đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Trong mỗi giai đoạn, nhu cầu thực tế của cán bộ, quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...

Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; bên cạnh các hình thức truyền thống, đã áp dụng các hình thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả.

+ Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền được sử dụng phổ biến, thông qua tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, có thảo luận, trao đổi, đối thoại để giải đáp vướng mắc, nhu cầu của người nghe... Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức 5.351 hội nghị tuyên truyền, phổ biến và lớp bồi dưỡng, tập huấn văn bản pháp luật, thu hút 544.390 lượt người tham dự.

+ Thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia, tạo ra phong trào tìm hiểu pháp luật trong nhân dân. Các ngành, đoàn thể tổ chức hàng chục cuộc thi với hình thức thi viết, thi sân khấu hoá nội dung như tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa...

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành Trung ương, website của các sở, ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình, đài truyền thanh các huyện, thành phố, hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả tích cực. Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình đã phối hợp xây dựng các chuyên mục “Phổ biếnpháp luật và trợ giúp pháp lý”, “ Văn bản mới, chính sách mới”, “An toàn giao thông”, “Pháp luật và đời sống”, “Chính sách thuế”... Báo Thái Bình đăng trên 150tin, bài tuyên truyền pháp luật. Đài truyền thanh huyện, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã tổ chức 11.253 buổi phát thanh tuyên truyền pháp luật, góp phần quan trọng chuyển tải các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành đến với các tầng lớp nhân dân.

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua xét xử lưu động tại các phiên tòa được Tòa án nhân dân hai cấp chú trọng. Ngành Toà án chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm tổ chức xét xử các vụ án điển hình tại những địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi người phạm tội cư trú để xét xử lưu động. Thông qua các phiên tòa lưu động đã tuyên truyền pháp luật và răn đe cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật.

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hình thức phát hành tài liệu được tăng cường. Đã biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm đa dạng với nội dung phong phú, hình thức đẹp để cấp cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát miễn phí cho nhân dân. Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 3.500 cuốn tài liệu hỏi đáp về Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 1.000 quyển sách hỏi đáp về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra (covid -19),Sở Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn 4.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động; Hội Nông dân tỉnh in 8.000 tài liệu các loại cấp tới từng chi hội; ngành y tế phát hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng chống HIV/AIDS...

+ Hình thức tuyên truyền trực quan sinh động như pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, khẩu hiệu, tờ tin ảnh, băng rôn, triển lãm ảnh với chủ đề pháp luật được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá lớn, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông, dân số - kế hoạch hoá gia đình, về thuế.

+ Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được mở rộng, phát triển, hỗ trợ đắc lực cho tổ chức, công dân. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp từ năm 2017 đến nay đã thực hiện 614 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn cho 92.000 lượt người, trợ giúp pháp lý 2.053 vụ việc. Thông qua hoạt động tư vấn, giải thích, hướng dẫn và bào chữa đã chuyển tải cho nhân dân nhiều thông tin pháp luật hữu ích, giúp họ bảo vệ quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng các quy định của pháp luật.

+ Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường phổ thông được quan tâm hơn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật năm sau cao hơn năm trước. Nhiều trường đã chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật với các môn học, thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt đầu tuần, hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật. Ngành Giáo dục tích cực phối hợp với ngành Công an, Giao thông đưa Luật Giao thông đường bộ vào giảng dạy trong các trường học, được cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên hưởng ứng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn cho gần 1.000 giáo viên ở tất cả các bậc học, cấp học phục vụ cho việc triển khai lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường với việc giảng dạy các môn học trong nhà trường. Các huyện, thành phố phối hợp với nhà trường tổ chức 56 buổi tuyên truyền pháp luật cho giáo viên, học sinh tham gia.

+ Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, theo dõi, giúp đỡ hoặc có liên quan đến các đối tượng đặc thù đã có những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù phù hợp với từng đối tượng cụ thể, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về biển đảo, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Phòng, chống ma túy... Việc bảo đảm các điều kiện về nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù đã được quan tâm đầu tư, đã góp phần phổ biến, giáo dục kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh để qua đó ngăn ngừa, đẩy lùi và tiến tới loại bỏ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng đặc thù; góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

+ Toàn tỉnh hiện có 1.732tổ hoà giải với 13.063 hoà giải viên. Thông qua hoà giải, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật, đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân.

+ Cùng với các hình thức trên, trong thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể cơ sở ký cam kết và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên hằng năm, bình xét thi đua, xét, công nhận “Đơn vị văn hoá”, “Gia đình văn hoá”.Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình như mô hình “Xã, phường, thị trấn không có ma tuý và tệ nạn xã hội”, “Dòng họ không có ma tuý”, “Chi hội nông dân tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản an toàn giao thông”... với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, đã và đang phát huy hiệu quả. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn góp phần tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; những năm qua, đã lồng ghép tổ chức hơn 3.500 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 525.000 người tham dự

Có thể thấy, từ khiLuật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được chú trọng và tăng cường, nhận thức về trách nhiệm trong triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Đảng viên, nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị xã hội. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh việc duy trì, phát triển các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, đã chú trọng áp dụng nhiều hình thức, mô hình mới phù hợp với đối tượng địa bàn. Công tác phối hợp để lồng ghép, sử dụng các nguồn lực được chú trọng với việc đề cao vai trò tư vấn, tham mưu của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường được quan tâm thực hiện, định kỳ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật; Nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm hơn. Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn kịp thời, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, bảo đảm đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

- Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Củng cố tổ chức, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

- Đổi mới, sử dụng có hiệu quả và sáng tạo các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật

- Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật

- Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Lê Thủy


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 193
Hôm qua : 2.508
Tháng 10 : 33.912
Năm 2024 : 1.013.082