A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật của người dân.

Ngày 26/4/2019, Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”.  Ngày 19/7/2019, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành  Kế hoạch số 72/KH-UBND thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh Thái Bình; chỉ đạo các Sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng cụng CNTT trong công tác PBGDPL gắn với triển khai có hiệu quả Đề án; lựa chọn các giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia; triển khai thí điểm việc PBGDPL qua mạng xã hội (zalo, facebook…); cập nhật, kết nối thông tin PBGDPL trên môi trường mạng.

Hiện nay, tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các huyện, thành phố đều thiết lập Cổng thông tin điện tử chung của sở, ngành, địa phương mình, kịp thời cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp được thành lập từ năm 2010, năm 2014 được nâng cấp thành Cổng thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục PBGDPL hướng dẫn chỉ đạo về công tác PBGDPL; thông tin về hoạt động của Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, huyện; đăng tải những văn bản pháp luật mới ban hành, những văn bản liên quan thiết thực tới đời sống nhân dân… Cổng thông tin điện tử của huyện, thành phố đã được bàn giao và đi vào hoạt động từ năm 2018 đạt hiệu quả cao.

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh Thái Bình; các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đều duy trì hoạt động thường xuyên các Cổng thông tin điện tử. Xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL; cập nhật, đăng tải các tài liệu PBGDPL như: sổ tay hỏi – đáp, tờ gấp, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh các hoạt động PBGDPL của cơ quan, đơn vị mình... giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai PBGDPL hiệu quả, thuận lợi và tiết kiệm thời gian; giúp người dân dễ tiếp cận thông tin về pháp luật. Chuyên mục PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp mỗi năm đăng tải 120 tin, bài/ tổng số 200 tin bài trên trang Wesite, mỗi ngày thu hút 800 lượt người truy cập. Phòng Tư pháp Tiền Hải phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Đài truyền thanh truyền hình huyện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các tin, bài, các quy định pháp luật mới được biên soạn ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu để người dân dễ nắm bắt, theo dõi và chia sẻ rộng rãi; kí kết với Đài truyền thanh truyền hình huyện Hợp đồng số 01/HĐ-TP-ĐTT ngày 22/01/2019, Hợp đồng số 02/HĐ-TP-ĐTT ngày 08/02/2020 về tăng cường công tác đưa tin bài tuyên truyền PBGDPL năm 2019, 2020. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà xây dựng riêng một Trang thông tin điện tử (http://pgdhungha.edu.vn) phục vụ việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Trang Fanpage Tuyên giáo huyện Thái Thụy có gần 700.000 lượt người tiếp cận bài viết, hơn 4.300 lượt tương tác, đăng tải gần 400 tin, bài, ảnh, clip tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Các cán bộ phụ trách Cổng thông tin điện tử được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học như:  Khóa bồi dưỡng tập huấn kiến thức và kỹ năng đảm bảo An toàn thông tin cơ bản; Lớp Kiến thức mới về công nghệ thông tin và An toàn thông tin tỉnh Thái Bình; Lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật chuyển đổi IPv4 sang IPv6 trên địa bàn tỉnh; Lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản đạt chuẩn theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT nên trình độ tin học của đội ngũ làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công việc.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hình thức PBGDPL khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông thông tin cơ sở luôn được quan tâm. Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình duy trì thường xuyên chuyên mục “Hộp thư truyền hình”, "Văn bản mới, chính sách mới”, “Pháp luật và cuộc sống”; phối hợp với BáoThái Bình xây dựng chuyên trang “PBGDPL và Trợ giúp pháp lý” tuyên truyền các văn bản pháp luật và các văn bản của tỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn. Từ 2019 đến nay đã thực hiện 240 số phát sóng truyền hình với thời lượng 5-7 phút phát sóng/số; đăng tải các nội dung phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý trên 92 số báo Thái Bình; viết 189 tin, bài tuyên truyền, giới thiệu các văn bản pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Thái Bình, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Sở Tư pháp. Hằng năm, Sở thực hiện biên soạn 12 bộ tài liệu phát thanh pháp luật để cung cấp cho hệ thống loa tuyền thanh của các xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trên loa truyền thanh cho người dân.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban của huyện; UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương như Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Phát thanh xã, phường, thị trấn. Kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng; từng bước phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện. Tại cácTrung tâm học tập cộng đồng ở nhiều xã, phường, thị trấn được trang bị ti vi, máy tính để phục vụ cho việc tuyên truyền pháp luật, trao đổi các văn bản mới tới người dân.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua mạng internet, mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng được chú trọng, thu hút nhiều sự quan tâm của cán bộ và nhân dân. Điển hình như huyện Thái Thụy đã triển khai hình thức nhắn tin qua điện thoại (sms) về phòng chống ma túy và tín dụng đen đối với các thuê bao di động trên địa bàn huyện sử dụng 03 mạng di động: Viettel, Mobifone và Vinafone. Đây là hình thực tuyên truyền trực tiếp đến từng người dân địa phương, mang thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu với chi phí rất thấp.

Trong thời gian tới, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng và tăng cường ứng dụng các tiện ích của mạng internet, mạng xã hội, sóng phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử vào công tác PBGDPL để người dân có thể khai thác thông tin pháp luật miễn phí; cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp luật trực tuyến... đảm bảo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Xác định đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.

 

                                                                                          Hạnh Nga

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 338
Hôm qua : 2.508
Tháng 10 : 34.057
Năm 2024 : 1.013.227