A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Nhà nước có cơ chế bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền được thông tin về pháp luật, quyền được tiếp cận pháp luật và sử dụng pháp luật, điều này đã được thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp từ Trung ương đến địa phương và cũng được thể hiện trong Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân.

 

Theo đó, công dân có quyền được tiếp cận thông tin, nhà nước luôn tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Thời gian qua, việc thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình gắn liền với việc toàn dân tích cực triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, chế định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gắn với việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã giúp người dân hình thành thói quen sống, làm việc theo pháp luật; thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thiết chế pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân ngay tại cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh
Với đặc điểm tình hình Thái Bình là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, diện tích 1.567,4 km2, có bờ biển dài 53km; tỉnh có 07 huyện, 01 thành phố; 286 xã, phường, thị trấn với dân số khoảng gần 2 triệu người, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, dân cư chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống tinh thần mang nặng văn hóa làng xã; điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển, bước tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, các điều kiện về an sinh xã hội được đảm bảo. Như vậy, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 của Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xã, phường của tỉnh Thái Bình thuộc loại: xã, phường của thị xã thuộc tỉnh; thị trấn của huyện thuộc tỉnh khu vực đồng bằng. Để đảm bảo đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải đạt từ 800 điểm trở lên.
Với những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội như trên, từ năm 2002 cầu Tân Đệ đi vào hoạt động phá vỡ thế ốc đảo nối liền 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định thì Thái Bình đã hòa được nhịp phát triển chung của đất nước. Nhưng, bên cạnh sự phát triển cũng kéo theo nhiều những mối quan hệ xã hội nảy sinh dẫn đến nhu cầu về tiếp cận thông tin nói chung và tiếp cận về pháp luật nói riêng của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng cao. Theo báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh Thái Bình thì: Từ khi triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 cho đến hết ngày 31/12/2011 ngành Công an đã khởi tố điều tra tổng số 6.260 vụ đối với 9.470 bị can. Như vậy, thời gian trước đây chỉ riêng lĩnh vực xử lý về hình sự thì trên địa bàn tỉnh trung bình 01 ngày khởi tố 1,5 vụ án về hình sự, hơn 02 bị can. Đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2014 vừa qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp 4.573 lượt người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nhận 1.688 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phải ánh của công dân. Hiện nay Thái Bình đang tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thì việc tiếp cận pháp luật nói chung và tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ của người dân trên địa bàn tỉnh thật sự là một nhu cầu cần thiết, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý, phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao nhận thức về pháp luật của công dân góp phần xây dựng, thực hiện mục tiêu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này được phù hợp với xu hướng phát triển chung và đồng thời được thể hiện ở nhiều văn bản của đảng và nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, như tinh thần của các Nghị quyết số 08, Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và gần đây là chế định Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2014, thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình có 01 đơn vị cấp huyện, 115 đơn vị cấp xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để những đơn vị đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 đủ điều kiện được biểu dương địa phương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật, thì trong năm 2015 các địa phương đó phải tiếp tục đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2015. Đây là công việc của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình phải tiếp tục thực hiện để nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Các điều kiện đảm bảo xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Cũng trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã xây dựng được lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất khá hùng hậu phục vụ công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Toàn tỉnh, 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, trong đó có 16 cán bộ làm công tác chứng thực và 54 cán bộ Tư pháp không chuyên trách (cán bộ Tư pháp II); 2.094 tổ hòa giải và 15.229 hòa giải viên ở cơ sở; 286 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, 837 nhà văn hóa thôn được xây mới, 688 nhà văn hóa được tận dụng; 123/286 xã, phường, thị trấn có 02 Tủ sách pháp luật, trong đó có một số xã được trang bị về đến các thôn, làng, các tủ sách đều được bổ sung hàng năm; hệ thống loa truyền thanh được trang bị ở các cấp cơ sở, hiện tại đang được đầu tư thay thế mới bằng hệ thống loa truyền thanh không dây. Toàn tỉnh hiện có 13 Văn phòng Luật sư, 01 công ty luật, 54 luật sư chính thức, 17 luật sư tập sự; Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước có 13 Trợ giúp viên pháp lý, 12 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 120 cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trung bình mỗi năm trung tâm thực hiện trợ giúp gần 900 vụ việc bao gồm cả tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật; 65 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 128 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 37 cán bộ pháp chế các sở, ngành, hàng năm đều được đào tạo, tập huấn những văn bản chính sách mới, nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Ngày 10/9/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1976/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo Kế hoạch, việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã với các mức công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật. Công tác đánh giá phải đảm bảo nội dung 08 tiêu chí, 41 chỉ tiêu, tổng điểm, điều kiện và định mức theo Phụ lục ban hành kèm theo quy định của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật được thành lập ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã để tư vấn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp đánh giá, công nhận, xếp hạng, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật, địa phương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật theo quy định. Ngày 23/12/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2899/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tỉnh Thái Bình. Theo Quyết định, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tỉnh Thái Bình có 19 thành viên. Hội đồng do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan làm thành viên. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-UBND của UBND tỉnh và thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện, thành phần tương ứng với thành phần của Hội đồng cấp tỉnh. 286 xã, phường, thị trấn đều thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cùng cấp.
Sau khi Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp tỉnh được thành lập, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị cấp tỉnh để triển khai Quyết định 09/2013/QĐ-TTg cho thành viên của Hội đồng cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Biên soạn tài liệu tuyên truyền Tìm hiểu một số quy định của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sởcấp phát cho thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn dùng làm tài liệu tuyên truyền. Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố lồng ghép tuyên truyền Quyết định 09/2013/QĐ-TTg trong việc tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (9/11) ngay trong năm 2013. Hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn đều tập trung tuyên truyền Quyết định 09/2013/QĐ-TTg tới đông đảo cán bộ và Nhân dân.
Ngày 27/6/2014, theo Công văn số 4793/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Thái Bình và 4 tỉnh, thành phố là Quảng Bình, Điện Biên, Cà Mau, Thành Phố Hồ Chí Minh được chọn làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng ở 3 cấp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ năm 2014 đến năm 2016. Bộ Tư pháp tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ đánh giá tiếp cận pháp luật cho các cán bộ làm công tác này. Trên cơ sở văn bản của Bộ, Sở Tư pháp xây dựng hướng dẫn cụ thể cách chấm điểm đối với từng tiêu chí cho cán bộ theo dõi hoạt động này ở các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn chi tiết, chuyên sâu, cụ thể từng chỉ tiêu, tiêu chí cho cán bộ thực hiện. Trong quá trình tham mưu, đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp cùng Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tiến hành 03 đợt kiểm tra ở các đơn vị cấp huyện và một số đơn vị cấp xã. Trong quá trình kiểm tra đơn vị nào có sai sót thì đều được hướng dẫn thực hiện lại theo đúng quy trình quy định. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để thực hiện các quy định của Hiến pháp, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ người dân trong tiếp cận, sử dụng pháp luật, nhằm thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại cơ sở. Hơn nữa, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên việc đánh giá một số tiêu chí, chỉ tiêu theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có phần thuận lợi như: Tiêu chí số 5 về thực hiện dân chủ xã, phường; Tiêu chí số 7 về bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật. Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp tỉnh đã phát huy vai trò tư vấn, tham mưu trong công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Với nỗ lực của các cấp, các ngành, bước đầu đã đạt được những kết quả trong việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
          Việc thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm cho các điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở ngày một nâng cao. Công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn liền với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư nên có sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi các cơ quan hành chính Nhà nước phải có các cơ chế đáp ứng ngày càng cao các điều kiện đảm bảo cho công dân tiếp cận với các tiêu chí như: Giải quyết các vụ việc về hành chính Tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Thực hiện dân chủ ở xã, phường; Thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội... hay có những biện pháp nâng cao các điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Để có các giải pháp triệt để về xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần có quá trình nghiên cứu, tổng kết của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên trong năm 2015, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện một số công việc để nâng cao chất lượng tiếp cận của người dân tại cơ sở:  Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo; quan tâm đầu tư kinh phí, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận với thiết chế pháp luật, nâng cao quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính gắn liền với cải cách nền hành chính quốc gia; Chú trọng đến xây dựng số lượng, chất lượng đội ngũ công chức cấp xã đạt chuẩn vì đây là đội ngũ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Phát huy hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh cấp xã, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến về xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Hàng năm, tiến hành đào tạo, đào tạo lại trình độ cán bộ cấp xã đạt chuẩn phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước; cấp chính quyền các cấp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo thực hiện các điều kiện tiếp cận với pháp luật của công dân./.

Tô Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 497
Hôm qua : 612
Tháng 03 : 13.920
Năm 2023 : 41.682